Giới Thiệu
GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HUYỆN LÂM HÀ
Huyện LÂM HÀ là một huyện mới của tỉnh Lâm Đồng được thành lập ngày 28/10/1987- Là tên ghép của hai địa danh Lâm Đồng và Hà Nội, trên cơ sở sáp nhập Vùng Kinh tế mới Hà Nội với 5 xã của huyện Đức Trọng.
Hiện nay, huyện có 16 đơn vị hành chính cấp xã gồm 14 xã: Tân Văn, Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Hà, Liên Hà, Phúc Thọ, Hoài Đức, Đan Phượng, Tân Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh và 02 thị trấn: Đinh Văn và Nam Ban, với diện tích tự nhiên trên 93.032 ngàn ha, dân số trên 147 ngàn người; Sau 35 năm xây dựng và phát triển, diện mạo của một huyện nông thôn mới đã hình thành với khí thế và sinh lực mạnh mẽ, những chương trình trọng tâm và công trình trọng điểm của huyện đã và đang được đầu tư xây dựng, cùng với đó thiết chế hạ tầng nông thôn đang dần hoàn thiện, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Đó chính là những thành quả của đoàn kết, chủ động và quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, còn có sự gắn kết mật thiết, hợp tác chặt chẽ giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng, thành phố Hà Nội, các địa phương khác trong cả nước và sự đồng thuận của cộng đồng các dân tộc huyện Lâm Hà luôn đoàn kết xây dựng cuộc sống mới giàu đẹp hơn.
Với quyết tâm: “Xây dựng huyện Lâm Hà trở thành huyện phát triển khá trong tỉnh. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Khai thác và sử dụng hợp lý các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong huyện; quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ, đồng thuận trong xã hội; khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống tốt đẹp, tạo luồng sinh khí mới, ý chí phấn đấu, quyết tâm vươn lên mạnh mẽ đưa huyện Lâm Hà phát triển toàn diện, bền vững”. (Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 -2025).

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VĂN HÓA CÁC VÙNG MIỀN, CÁC DÂN TỘC ĐANG SINH SỐNG TẠI HUYỆN LÂM HÀ
Là một vùng đất có đời sống văn hoá, tinh thần phong phú và đa dạng. Kết quả di chỉ khảo cổ khai quật ở xã Đạ Đờn cho thấy từ thế kỷ XIV đã có sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Trung Hoa, Đại Việt, Chăm Pa, Phù Nam, Thái Lan với cư dân bản địa.
Ngày nay, Lâm Hà có hơn 30 dân tộc anh em, với bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc gốc Tây Nguyên như K’Ho, Mạ, M’Nông, Churu…, các dân tộc
thiểu số như Thái, Tày, Nùng, H’Mông từ các tỉnh phía Bắc cùng với sự độc đáo của văn hoá dân tộc Kinh ở nhiều vùng miền khác nhau đã hòa quyện tạo nên sự đa dạng, phong phú cho đời sống văn hóa của nhân dân trong toàn huyện.
Do đó, khi đến Lâm Hà, khách du lịch sẽ thỏa sức khám phá, tìm hiểu đặc trưng nét văn hóa vùng miền của các dân tộc như: Tín ngưỡng dân gian của người
Mạ, người K’Ho chủ yếu sống ở thị trấn Đinh Văn, Phú Sơn, Đạ Đờn, Phi Tô, Mê Linh, Tân Thanh, Đan Phượng trong lễ mừng lúa mới, lễ mang lúa về kho… trong đó vật hiến sinh bằng là gà, heo, bò, trâu và phần hội gồm: đốt lửa, uống rượu cần, cồng chiêng, Yang Yau, điệu Tăm Ja… sẽ được chiêm ngưỡng những tài sản quý nhất trong nhà của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên là chiêng và chóe bên cạnh đó còn có các vật dụng truyền thống là những quả bầu khô dùng để đựng nước và lấy nước, các công cụ làm rẫy như rìu, xà gạc, dao, gùi các loại, công cụ săn bắn như ná, lao, lưới, tên, cối giã gạo…
Ngoài ra, du khách sẽ được tham dự lễ hội Hai Bà Trưng (xã Mê Linh) vào mùng 6 tháng giêng hàng năm, Hội võ vật dân tộc (xã Hoài Đức, xã Tân Hà) vào các dịp hội, tết Nguyên Đán; Hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày (xã Phi Tô), Lễ hội giỗ tổ Hùng Vương (xã Tân Hà), thưởng thức làn điệu chèo, quan họ Bắc Ninh (thị trấn Nam Ban và các xã Nam Hà, Gia Lâm, Tân Hà), nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương (xã Phú Sơn)…
Các nghề thủ công truyền thống của từng vùng miền, dân tộc vẫn đang được lưu giữ là nghề dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, cói. Một số nghề truyền thống của người Kinh như làm bánh cuốn truyền thống tại thôn Thanh Trì (xã Đông Thanh), nghề làm giò chả, bánh chưng, làm bún truyền thống, nghề ươm tơ, dệt lụa (thị trấn Nam Ban)…
Rất nhiều món ăn mang hương vị truyền thống đều có ở Lâm Hà để phục vụ du khách đến đây, đặc biệt là Phở Hà Nội, Bún chả Hà Nội, Cà đắng chân trâu, bún bò Huế, bánh chưng, bánh dày… còn những đặc sản riêng làm quà như: Trà Ô Long, chuối La Ba, cà phê chồn, macca… Mỗi một dân tộc, mỗi vùng miền đều có truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán khác nhau – cho đến nay các dân tộc ở Lâm Hà vẫn còn giữ được nét văn hoá đặc trưng của dân tộc mình, tạo nên sự phong phú đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam sinh sống trên quê hương Lâm Hà. Chính bản sắc văn hóa của từng dân tộc tạo nên sức hút du lịch, góp phần làm sinh động hơn sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn và hiệu quả kinh doanh du lịch tại địa phương