Huyện Lâm Hà nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng, ở tọa độ vĩ tuyến 11040’ – 12005’, kinh tuyến 107057’ – 108025’. Phía Bắc giáp thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, phía Nam giáp huyện Di Linh, phía Đông giáp huyện Đức Trọng, phía Tây giáp huyện Đam Rông và tỉnh Đắk Nông. Diện tích tự nhiên là 93.000 ha, chiếm khoảng 10% diện tích tỉnh Lâm Đồng.
Lâm Hà nằm trên cao nguyên Di Linh và một phần cao nguyên Lang Biang, có độ cao trung bình trên 900m so với mực nước biển. Địa hình tương đối phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều sông suối, có 3 dạng địa hình chính: dốc núi cao, đồi thấp và thung lũng. Lâm Hà có các loại đất chính đó là đất phù sa, đất dốc tụ, trong đó đất đỏ Bazan phù hợp với việc trồng các loại cây như chè, cà phê, dâu tằm…
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu có hai mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.700ml/năm, độ ẩm trung bình khoảng 80%, biên độ dao động nhiệt độ giữa ngày và đêm khoảng 100C, một ngày có đặc điểm khí hậu của 4 mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 210C – 220C, tháng 12 và tháng 1 có nhiệt độ trung bình thấp nhất khoảng 180C – 190C và tháng 4, tháng 5 có nhiệt độ trung bình cao nhất khoảng 240C – 250C. Khí hậu ôn hòa mát mẻ, độ ẩm cao thuận lợi cho sức khỏe con người và trồng trọt, chăn nuôi, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.
Lâm Hà có nhiều sông, suối bắt nguồn từ các vùng núi cao. Sông Đạ Dâng bắt nguồn từ vùng núi Lang Biang chảy theo hướng Đông – Nam; Suối Cam Ly, Đạ Me chảy theo hướng Bắc – Nam. Các dòng sông, suối trên địa bàn huyện là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là tiềm năng để xây dựng các nhà máy thuỷ điện, xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất và đời sống. Ngoài hệ thống sông, suối, Lâm Hà còn nhiều đầm, hồ với hơn 1.800 ha mặt nước như hồ Đạ Sa, hồ Phúc Thọ, hồ Tân Thanh, hồ Bãi Công…
Hệ thống sông nước đa dạng tạo nên các ngọn thác đẹp như thác Voi ở Nam Ban, thác Liêng Chi Nha ở Tân Thanh, thác Cam Ly ở Mê Linh… các ngọn thác này tạo ra tiềm năng về phát triển du lịch. Hiện nay thác Voi đã được nhà nước xếp hạng thắng cảnh quốc gia.
Rừng của huyện Lâm Hà chiếm diện tích 57,34% diện tích tự nhiên với 930,27ha. Ðộ che phủ của rừng tương đối lớn, trữ lượng gỗ đạt 7 triệu m3 và tre nứa các loại. Có nhiều loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, trắc, gõ, sao, xá xị. Ðặc biệt còn có nhiều loại dược liệu tự nhiên và có khả năng trồng với diện tích lớn như: Sâm Bố Chính, Sâm Cau, Tam Thất, Canh Ki Na, Quế. .vv. Những điều kiện đó cho phép Lâm Hà thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về Lâm nghiệp, thực hiện khoanh nuôi, tu bổ, cải tạo và trồng rừng.
THÁC VOI ( Nam Ban – Lâm Hà) – Danh thắng quốc gia
Về khoáng sản, Lâm Hà không có nhiều khoáng sản như một số địa phương khác. Khoáng sản chủ yếu là đất cao lanh, đá, cát để sản xuất vật liệu xây dựng.
Hệ sinh thái của Lâm Hà phong phú, đa dạng. Theo thống kê năm 2009, toàn huyện có 48.090 ha đất nông nghiệp trong đó 41.116 ha trồng cây công nghiệp, 1.649 ha lúa nước, 1.309 ha mặt nước và nuôi trồng thủy sản; 22.010 ha rừng gồm rừng hỗn giao, rừng lá kim, rừng lá rộng với nhiều động vật quý hiếm và có giá trị. Với hệ động thực vật phong phú là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, phát triển cây công nghiệp như cà phê, chè, dâu tằm và phát triển bảo tồn rừng phòng hộ, rừng sản xuất tạo điều kiện cho huyện phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn với môi trường sinh thái bền vững.